3/6/16

Thăng ma

Thăng ma là một vị thuốc thường dùng trong đông y. Ngọn và lá hơi giống cây gai (ma), lại có tính làm bốc lên trên (thăng) do đó có tên Thăng ma.

Mô tả thăng ma

Trên thị trường, vị thăng ma do nhiều cây khác nhau cung cấp. Chủ yếu là những cây thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae), nhưng vùng Quảng Đông, Quảng Tây giáp biên giới nước ta người ta dùng rễ một cây thuộc họ Cúc với tên Thăng ma. Cần chú ý để tránh nhầm lẫn.
Những vị thăng ma thường gặp:
  1. Thiên thăng ma - Rhizoma Cimicifugae heracleifoliae: Là thân rễ khô của cây đại tam diệp thăng ma (Cimicifuga heracleifoliae Komar), thuộc họ Mao lương.
  2. Bắc thăng ma - Rhizoma Cimicifugae dahuricae: Là thân rễ khô của cây bắc thăng ma hay đông bắc thăng ma (Cimicifugae dahuricae Maxim), thuộc họ Mao lương.
  3. Tây thăng ma còn gọi là Lục thăng ma hay Xuyên thăng ma - Rhizoma Cimicifugae foetidae: Là thân rễ khô của cây thăng ma (Cimicifuga foetida L), thuộc họ Mao lương.
  4. Quảng đông thăng ma - (Radix Serratulae): Là thân rễ khô của cây thăng ma đầu hay cây thăng ma (Serratula sinensis S. Moore), thuộc họ Cúc (Compositae)
Vị thăng ma hiện nay chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Trong số thăng ma nhập của Trung Quốc, nhiều nhất là loại Bắc thăng ma chủ yếu sản xuất ở Hắc Long Giang, Hà Bắc, Nội Mông, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, sau đến Quảng Đông thăng ma chủ yếu sản xuất ở Quảng Đông, Quảng Tây.

Tác dụng của thăng ma

Tính chất của thăng ma theo tài liệu cổ của đông y là vị ngọt cay hơi đắng, tình bình và hơi độc vào 4 kinh tì vị phế và đại trường có năng lực thăng thanh, giáng trọc (đưa cái trong lên trên, hạ chất đục xuống), tán phong giải độc là thuốc thăng đề và chữa phong nhiệt: thường dùng làm thuốc giải độc, trừ ôn dịch, chướng khí, trúng độc mà sinh đau bụng, sốt rét, lở cổ họng.
Đơn thuốc có thăng ma:
  • Chữa sốt khi mới lên đậu: Thăng ma 8g, cát căn 5g, đại táo 10g, thược dược 2g, sinh khương 2g, cam thảo 1g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
  • Đau nhức răng, cổ họng lở loét: Thăng ma 4g, sắc với 200ml nước ngậm trong miệng lâu rồi nuốt. Ngày 2 - 3 lần
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" GS Đỗ Tất Lợi