2/6/16

Cây chó đẻ - Diệp hạ châu

Cây chó đẻ răng cưa còn gọi là diệp hạ châu, diệp hòe thái, lão nha châu. Tên khoa học Phyllanthus urinaria thuộc họ Thầu dầu.
cay cho de diep ha chau
Cây chó đẻ - diệp hạ châu

Mô tả cây chó đẻ răng cưa

Cây chó đẻ răng cưa là cây cỏ mọc hàng năm, cao chừng 30cm, thân gần như nhẵn, mọc thẳng đứng, mang cành, thường có màu đỏ. Lá mọc so le, lưỡng lệ trông như lá kép, phiến lá thuôn, dài 5-15mm, rộng 2-5mm, đầu nhọn hay hơi tù, mép nguyên nhưng hơi có răng cưa rất nhỏ, mặt dưới màu xanh lơ, không cuống hay cuống rất ngắn. Hoa mọc ở kẽ lá, nhỏ, màu đỏ nâu, đơn tính, hoa đực, hoa cái cùng gốc ở đầu cành, cái ở dưới. Hoa không cuống, hoặc có cuống rất ngắn. Đường kính quả có thể đạt tới 2mm, treo lủng lẳng dưới lá, do đó có tên: Diệp = lá; hạ = dưới, châu = hạ, nghĩa là hạt dưới mặt lá. Hạt ba cạnh, hình trứng, màu nâu nhạt, có vân ngang.
Cây chó đẻ mọc hoang khắp nơi trong nước ta cũng như ở khắp các nước vùng nhiệt đới. Người ta dùng toàn cây hái về làm thuốc. Mùa hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hạ. Thường dùng tươi có khi phơi khô.

Tác dụng của cây chó đẻ

Nhân dân hay rất hay dùng cây chó đẻ răng cưa làm thuốc, giã nát với muối chữa đinh râu, mụn nhọt. Còn tác dụng chữa bệnh gan, chữa sốt, đau mắt, rắn cắn. Ngày uống 20-40g cây tươi, sao khô sắc đặc mà uống. Dùng ngoài không có liều lượng.
Chú ý: Tên chó đẻ còn được dùng để chỉ cây Phyllanthus niruri L. cùng họ. Theo các tài liệu Ấn Độ, trong cây này còn có muối kali và chất đắng gọi là phyllathine có độc đối với cá. Cây này còn được dùng làm thuốc thông tiểu tiện hoặc làm thuốc thông sữa.
Cây chó đẻ có nhiều công dụng nhưng đáng chú ý nhất là giải độc, mát gan và tiêu mỡ máu. Cây có sức sống mạnh mẽ, ta thường thấy chúng mọc chen chúc chung với cỏ, thậm chí cả những nơi mà cỏ không sống được như kẽ nứt lề đường. Khi khai thác, chúng ta cần lưu ý có 3 loài cây gần giống nhau:
  1. Cây chó đẻ thân xanh (diệp hạ châu đắng) Phyllanthus niruri (tên đồng nghĩa Phyllanthus amarus): Toàn thân có màu xanh tươi, cành ngắn, rất ít phân nhánh, phiến lá có màu xanh nhạt, ngắn và mỏng hơn cây chó đẻ thân đỏ. Khi nhai có vị đắng nên trong đông y được gọi là cây diệp hạ châu đắng. Đây là loài có dược tính mạnh nhất, khi nói về cây chó đẻ hay diệp hạ châu thì mọi người hầu như ám chỉ đến loài này.
  2. Cây chó đẻ thân đỏ (diệp hạ châu ngọt) Phyllanthus urinaria: Thân có màu hanh đỏ và màu thường đậm nơi gốc cành, phân nhánh rất nhiều, phiến lá có màu xanh hơi đậm, dài và dầy hơn cây chó đẻ thân xanh. Khi nhai có vị ngọt nên trong đông y được gọi là cây diệp hạ châu ngọt. Khác với điều một số người thường nghĩ, cây chó đẻ thân đỏ vẫn được khai thác trong tự nhiên để làm thuốc nhưng có lẽ dược tính không mạnh bằng cây chó đẻ thân xanh nên không được trồng đại trà.
  3. Một loài diệp hạ châu nữa Phyllanthus sp. có màu xanh đậm, lá rời rạc, phiến lá hẹp và chóp nhọn hơn so với hai loài trên. Loài này không được dùng làm thuốc.
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" GS Đỗ Tất Lợi